Hướng Dẫn Làm Dạng Bài Table Completion – IELTS Listening

Dạng bài Table completion trong phần thi IELTS listening là một dạng câu hỏi phổ biến. Nó có thể xuất hiện trong bất kì Section (đề thi cũ) hay Part (đề thi mới). Để làm tốt được dạng này, chúng ta cần phải nắm rõ từng bước thực hiện và luyện tập thật nhiều đề. Bài viết sẽ giúp các bạn hoàn thành dạng câu hỏi này một cách tốt hơn.

Dạng Bài Table Completion - IELTS Listening

I. Một Số Lưu Ý Khi Làm Bài Dạng Table Completion – IELTS Listening

Điều đầu tiên cần phải làm chính là đọc kỹ hướng dẫn về số lượng từ được viết trong mỗi đáp án. Nhiều bạn không đọc kỹ phần này dẫn đến việc điền đáp án bị thừa số từ và sẽ không được chấm điểm cho những câu trả lời đó

Câu trả lời phải được lấy trực tiếp từ băng ghi âm. Bạn không nên dùng các từ do mình tự nghĩ ra hoặc thay đổi dạng từ so với thông tin được đọc vì khả năng không được chấp nhận rất cao.

Việc “paraphrase” các thông tin trong câu hỏi trong đoạn đọc cũng rất phổ biến, nhằm đánh giá mức độ nghe hiểu của người thi. Cho nên, các bạn cần phải trang bị cho mình một vốn các từ đồng nghĩa đủ rộng, cũng như các cách paraphrase phổ biến.

II. Chiến lược làm bài Table Completion trong IELTS Listening

1. Trước khi làm bài

Bước 1: Xác định số từ cần điền

Phần giới hạn của số từ cho phép sẽ được ghi rõ và in đậm trong phần đầu của mỗi Section. Bạn nhớ đọc kỹ điểm này để tránh mất điểm trong quá trình làm bài nha.

ONE WORD ONLY

Bạn chỉ được phép được điền một từ duy nhất.

Ví dụ: Nếu điền là “a book” thì bạn đã sai, vì đó đã là 2 từ.

‘ONE WORD AND/OR A NUMBER’ 

Điền một từ và/ hoặc một số

Câu trả lời của bạn có thể là một từ, một số, hoặc một từ và một số:

E.g: March, hoặc 7th, hoặc 12th September

‘NO MORE THAN TWO WORDS AND/OR A NUMBER’

Điền không quá hai từ và/hoặc một số

Câu trả lời của bạn có thể là một từ, một số, một từ và một số, hai từ, hai từ và một số. Tuy nhiên, nếu như bạn nhìn thấy chỉ dẫn này, thì phần lớn các câu trả lời đều là hai từ hoặc hai từ và một số:

E.g: 15 Ace Avenue

‘NO MORE THAN THREE WORDS’

Điền không quá ba từ

Câu trả lời của bạn có thể là một từ, hai từ hoặc ba từ. Nếu bạn nhìn thấy chỉ dẫn này, thì phần lớn các câu trả lời đúng đều là điền ba từ. Bạn hãy lưu ý nhé!

Bước 2: Đọc topic của bài nghe và xác định keywords ở thông tin đã được cho sẵn

Các bạn nên đọc qua tiêu đề để xác định chủ đề của bài nghe, từ đó định hình trong đầu những từ vựng mà mình có thể nghe, và dựa vào đó mà bạn đoán từ cần điền dễ dàng, chính xác hơn.

Trong trường hợp tiêu đề có những từ bạn không biết, các bạn có thể nhìn qua nội dung được điền trong form để đoán ngữ cảnh. Bạn cũng nên list ra trong đầu một vài từ có thể bị paraphrase hoặc các nhóm từ liên quan để giúp tăng khả năng chọn được đáp án đúng: Schedule -> classes, time, timetable, plan, due,…).

Các keyword mà các bạn cần chú ý là những từ cho sẵn nằm phía bên trái và bên phải của chỗ trống. Nếu trước chỗ trống cần điền cũng có các từ chỉ nội dung thì các bạn cũng nên gạch chân các từ. Việc đọc kỹ keyword cho sẵn cũng sẽ giúp các bạn rất nhiều trong việc loại trừ đáp án sai, vì chắc chắn đáp án điền vào sẽ không thể giống với keyword cho trước.

Bước 3. Dự đoán thông tin cần điền

Sau khi gạch chân keyword (từ khoá chính) câu nào, hãy xác định ngay loại từ (noun, verb, adjective…) của từ cần điền. Đọc các câu hỏi đề đưa ra để hình dung bối cảnh cần nghe và nếu có thể, nên dự đoán nội dung của từ cần điền (nếu là danh từ thì về người, vật hay địa điểm, tính từ thì là tích cực hay tiêu cực dựa trên bối cảnh…)

Ngoài ra, để tránh bị lỗi đáp án thiếu s/es, với các chỗ trống cần điền danh từ, hãy ghi chú ra bên cạnh để bản thân chú ý hơn khi nghe.

2. Trong khi nghe

Rà bút theo nhịp đọc của băng, chú ý các từ bị paraphrase từ câu hỏi. Điền câu trả lời vào giấy làm bài. Nếu bỏ lỡ bất kì câu nào thì cần phải nhanh chóng chuyển đến câu tiếp theo.

Trong bài thi sẽ có thể có những chỗ trống được đặt liên tiếp nhau, khiến nhiều bạn thí sinh mất điểm vì bỏ lỡ câu sau. Nếu câu trước mà bạn bị miss, hãy bình tĩnh và chuyển nhanh sang câu sau, đừng cứ ngồi day dứt tự hỏi bản thân mình nhé.

Với một số từ, bạn cũng có thể viết tắt để tiết kiệm thời gian và đỡ khả năng bị miss câu tiếp theo. Tuy nhiên khi ghi đáp án vào giấy trả lời thì hãy ghi đầy đủ nhé!

Ví dụ: January = Jan          Street = st

3. Sau khi nghe 

Sau khi hoàn thành bài nghe, hãy cố gắng kiểm tra lại thật nhanh những đáp án xem bạn đã đảm bảo đúng số lượng từ, ngữ pháp hay chính tả chưa. Nếu như còn bất cứ chỗ trống nào chưa kịp điền, bạn hãy mạnh dạn đoán câu trả lời vì chúng ta vẫn có xác suất đưa ra đáp án đúng. Đừng để giấy trắng nộp bài nha!